Xem ngay bí quyết quan hệ lâu ra tới 60 phút rất đơn giản TẠI ĐÂY❤️

Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn


Đề bài: Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn – văn mẫu lớp 8

Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn – bài 1

Bài làm
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai chẳng có lần mắc lỗi. Lỗi lầm, khuyết điểm là một phần không thể thiếu để mỗi chúng ta có thể trưởng thành và lớn lên. Tôi cũng đã từng mắc những khuyết điểm khiến cho thầy cô giáo phải buồn. Đó là kỉ niệm của năm học lớp 8.

Tôi là một đứa nghịch ngợm trong lớp. Cái tuổi này là tuổi thích được thể hiện và được người khác công nhận mình là người lớn nhất. Nên khi ấy, cái tôi của tôi rất lớn. Chỉ cần không vừa ý mình, tôi sẵn sàng tỏ thái độ khó chịu ngay. Thậm chí còn sẵn sàng gây gổ, đánh nhau với các bạn khác nữa. Thế nhưng thành tích học tập của tôi luôn nằm trong top 10 của lớp. Các cô vì thế cũng một mắt nhắm, một mắt mở cho qua. Chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Chính vì thế mà tôi càng ngày càng được đà, lấn lướt hơn.

Hôm ấy, tôi đến lớp sớm. Tiết đầu tiên của buổi học hôm nay là tiết Văn. Nằm bò trên bàn nhìn các bạn lục tục đi vào lớp, tôi đang suy nghĩ xem có trò gì mới có thể chơi trong giờ hay không. Trong đầu tôi chợt lóe lên một cái. Tôi nghĩ ra trò chơi mới rồi . Hôm trước tôi có mua một ít bột màu, vẫn còn để trong cặp sách. Tiếng trống vang lên báo hiệu giờ vào lớp đã đến. Cả lớp ra ngoài xếp hàng. Mình tôi ngồi lại lớp vì lí do chân bị đau, di chuyển không được. Chờ các bạn ra ngoài hết, tôi lấy gói bột màu trong cặp ra ngoài, đi lên phía bình nước, đổ tất cả vào rồi lấy một chiếc đũa, khuấy đều lên. Xong xuôi, tôi trở về chỗ ngồi của mình như không có chuyện gì.

Tiết học bắt đầu như mọi ngày, cho đến khi cô Thủy – cô giáo dạy Văn, cũng là cô chủ nhiệm của tôi đến bình nước để lấy một cốc nước thì mọi thứ đã không bình thường nữa. Cô vừa mở vòi để nước chảy xuống liền hốt hoảng đánh rơi khiến cái cốc rơi xuống vỡ tan tành. Cả lớp giật mình, ồn ảo hẳn lên. Dưới sàn nhà nước lênh láng, một màu đỏ rực chói mắt. Cả lớp ngỡ ngàng. Mấy bạn nam trong lớp chạy lên chỗ cô, mở bình nước để nhìn xem. Cả bình nước đều chuyển sang màu đỏ rực. Cô Thủy bình tĩnh lại, bảo mấy bạn nam lấy chổi để lau sàn cẩn thận tránh các bạn bị trượt ngã. Rồi bảo mấy bạn khác bê bình nước đi đổ. Cô đi lên phía bàn giáo viên, ngồi xuống nhìn cả lớp. Không biết có phải do chột dạ hay không mà tôi cảm thấy ánh mắt cô tập trung vào tôi. Nhưng không, cô im lặng một lúc rồi nói:

– Bạn nào trong lớp mình đã làm việc này?

Cả lớp lại nhao nhao nhao lên, làm gì có ai mà rảnh rỗi đi bày trò ra làm gì, và cũng không ai nhận mình làm. Tôi ngồi yên, không hùa theo mấy đứa trong lớp cãi cọ. Cô Thủy nhìn tôi, tim tôi nảy mạnh lên một cái, chẳng nhẽ cô biết là tôi làm luôn rồi sao? Rõ ràng lúc tôi đổ túi bột vào thùng nước, không có ai trong lớp cơ mà. Sao mà cô biết được? Nghĩ thế tôi thấy vững tin hơn, vẫn ngồi yên như không có chuyện gì xảy ra. Cô dừng ánh mắt ở tôi lâu hơn. Càng lúc tôi càng thấy chột dạ. Cô nói, giọng nghiêm khắc hơn:

– Cô hỏi lại, bạn nào trong lớp đã làm việc này?

Cả lớp đang ồn ào bỗng nhiên im phăng phắc. Có lẽ vì chưa bao giờ cô lại nói với lớp bằng giọng điệu ấy. Trong ấn tượng của chúng tôi, cô Thủy là một cô giáo rất hiền lành, gần gũi, thân thiện, chưa bao giờ cô biết nổi cáu với ai cả. Thế nhưng hôm nay, cô bỗng nghiêm giọng chỉ vì một việc mà tôi cho là không to tát lắm. Vì mọi người cũng chưa ai uống phải thứ nước pha bột màu ấy. Không khí trong lớp trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Cô vẫn nhìn chúng tôi, nhưng cả lớp không một ai đứng lên nhận lỗi. Tất nhiên là thế rồi, vì người làm là tôi mà, tôi không nhận thì làm gì có ai nhận lỗi nữa.

Tôi thấy cô nhìn về phía tôi nhiều hơn, ánh mắt cô như mong chờ điều gì đó. Tôi thấy thật kì lạ. Chắc chắn cô đã biết là do tôi làm và đang chơ tôi thú tội đây mà. Nhưng nếu tôi thú tội thì tôi sẽ phải chịu cơn thịnh nộ của cô, còn mất mặt nữa. Nếu không nhận tội thì, đôi mắt mong chờ kia của cô…Cuối cùng, tiếng trống hết giờ vang lên khiến cho cả lớp thở phào, không khí căng thẳng của lớp cũng không còn. Cô Thủy thu dọn đồ đạc của mình rồi nói với chúng tôi trước khi rời khỏi lớp:

– Cô rất buồn!

Nói rồi, cô liếc nhìn tôi rồi đi lên phòng giám hiệu. Cả buổi học hôm đấy tôi cứ nghĩ mãi về ánh mắt của cô lúc cuối giờ. Tôi thấy trong ánh mắt cô là sự thất vọng rất lớn, cả một nỗi buồn bao phủ nữa. Tôi cứ nghĩ tới ánh mắt của cô mà không sao tập trung vào bài học của các thầy cô trên lớp được. Cuối cùng tôi quyết định sẽ ở lại gặp cô để thú nhận tội lỗi của mình. Tôi biết, cô sẽ tha thứ cho tôi thôi. Hết giờ học, tôi chậm chạp thu dọn sách vở. Chờ các bạn về hết, tôi định đi tìm cô thì thấy cô đã đứng trước cửa lớp, như thể cô biết chắc tôi sẽ ở lại vậy. Tôi tiến lại phía cô, khẽ nói:

– Cô ơi, em…em xin lỗi. Em là người đã đổ bột màu vào bình nước cô ạ. – Tôi ngẩng đầu lên nhìn cô, ánh mắt cô vẫn nhìn tôi chăm chú, như đang chờ tôi nói tiêp, em chỉ muốn đùa một chút thôi. Em không ngờ cô lại giận giữ như vậy. Cô ơi, em thực sự xin lỗi cô ạ!

Cô im lặng một lúc rồi mới nói, vẫn bằng giọng nói nghiêm khắc như lúc trên lớp:

– Cô thật sự rất giận Phong ạ. Em có biết đây là lần thứ mấy em bày trò nghịch ngợm như thế rồi không? Những lần khác không nói, nhưng lần này cô nghiêm khắc phê bình em. Bột màu em mua, em có biết nó dùng đề làm gì không? Người uống chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, em đổ vào nó, tiếp xúc trực tiếp em có bị ảnh hưởng không Phong? Em đã bao nhiêu tuổi rồi? Bao giờ em mới chịu lớn?

– Em…em…- Tôi đứng trước mặt cô ấp úng

– Cô muốn em suy nghĩ về những việc mà em đã làm, một cách thật nghiêm túc, Phong ạ. Em đã lớn và em sẽ phải học cách chịu trách nhiệm về việc làm của mình, dù lớn hay nhỏ. Cô tin là em hiểu những gì cô nói. – Giọng cô dịu lại, bây giờ em còn ở đây, cô vẫn có thể bao bọc các em, nhưng mai này khi các em lớn lên và ra ngoài đời kia, nếu em không vững vàng, không đủ mạnh mẽ , không biết cách cư xử, họ sẵn sàng chà đạp em. Em hiểu chứ?

– Vâng, em hiểu cô ạ. Em cảm ơn cô! – tôi nói lí nhí.

Mãi đến tận bây giờ, tôi mới hiểu những lời dạy của cô có giá trị với tôi như thế nào. Tôi đã làm cô buồn lòng, tôi rất hối hận vì điều đó. Nhưng cũng vì thế mà tôi lớn hơn, tôi học được cách chịu trách nhiệm với hành động của mình. Tôi thấy mình trưởng thành và lớn hơn. Tất cả là nhờ cô.

Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn – bài 2

Bài làm

Cách đây hai tuần, em đã phạm một lỗi lầm mà em không bao giờ quên được. Đó là lần em đã quay cóp tài liệu khi đang làm bài kiểm tra. Việc làm đó đã khiến cho cô chủ nhiệm của em phải buồn lòng rất nhiều.

Buổi tối trước hôm đó, em đã xem thời khóa biểu và biết rằng ngày mai không có gì phải làm cả, chỉ riêng môn Văn là phải học thuộc lại các ghi nhớ, xem lại tất cả các bài tập làm văn cô cho. Nhưng vì hôm đó có bộ phim rất hay nên em mải mê xem phim mà quên không học bài gì cả. Sáng hôm sau, khi vào tiết Văn em đã rất ngạc nhiên khi nghe cô nói rằng: “Ôn lại bài năm phút rồi lấy giấy ra làm kiểm tra nhé các em”. Lúc đó, trên trán em toát cả mồ hôi, ướt cả tóc. Em không biết phải làm sao nếu như điểm kém thì sẽ bị bố mẹ la rầy còn các bạn sẽ cười chê mình. Thẫn thờ một lúc lâu thì cô giáo bắt đầu đọc đề. Cô vừa đọc xong thì các bạn chăm chú làm bài, chỉ riêng em thì loay hoay hỏi bài nhưng chẳng ai chỉ em cả. Nhìn lên đồng hồ em thấy không còn kịp thời gian để ngồi hỏi bài nữa. Em đánh liều một phen thử xem sao. Em lấy cuốn tài liệu ra và chép lia lịa cho đến hết giờ, cô kêu cả lớp nộp bài. Nộp bài xong, các bạn ríu rít hỏi xem nhau có làm được không, còn em chỉ ngồi cười mỉm một mình vì em biết chắc rằng mình sẽ được điểm cao thôi.

Qua ngày hôm sau, khi cô trả bài kiểm tra, em đạt được điểm số rất cao. Khi cô kêu đọc điểm cho cô ghi vào sổ thì em đã rất tự tin đứng lên nói lớn rằng: “Thưa cô, mười ạ!”. Cả lớp ồ lên tuyên dương em, cô thì mỉm cười nói rằng: “Em làm bài tốt lắm!”. Lúc đó, em cảm thấy rất vui. Vừa tan học, em chạy một mạch về nhà khoe với bố mẹ và mọi người trong nhà. Ai cùng khen em giỏi, em cũng cảm thấy rất hãnh diện vì điều đó nhưng không biết vì sao, tối hôm đó em không thể nào ngủ được. Cứ mãi trằn trọc suốt đêm, cứ cảm thấy mình không trung thực với cô, với những người xung quanh đã luôn tin tưởng ở mình. Điểm này không phải là con điểm thật sự do chính thực lực của mình làm, mà nó chỉ do em quay cóp mà có. Em cứ suy nghĩ mãi, không biết làm sao vì bây giờ nếu nói ra sự thật thì mọi người sẽ nghĩ mình như thế nào? Em đắn đo một lúc em quyết định sẽ nói rõ ràng cho cô biết. Sáng hôm thứ hai, em đã lấy hết can đảm để gặp cô và nói rằng: “Thưa cô, em xin lỗi cô rất nhiều vì em đã không trung thực trong lúc làm bài. Em đã quay cóp tài liệu mới có điểm mười đó”. Nghe xong, cô giáo không nói gì chỉ im lặng sửa điểm trong sổ. Nhưng em biết rằng, thẳm sâu trong đôi mắt cô là sự buồn lòng và thất vọng khi có một học sinh như em. Cuối giờ học, cô gọi em lên và nói : “Cô mong rằng sẽ không có lần thứ hai em quay cóp tài liệu trong giờ kiểm tra nữa. Đó là việc làm không đúng. Em cần khắc phục. Tuy vậy, cô cũng có lời khen ngợi vì em đã biết trung thực nhận lỗi, đó là điều đáng khen. Em phải hứa với cô sẽ cố gắng học hành chăm chỉ hơn và đừng làm như vậy nữa em nhé!”. Nghe cô nói xong, tự dưng hai khóe mắt em cay cav, nghẹn ngào, lí nhí xin lỗi cô mà trong lòng chan chứa bao cảm xúc khó tả. Trong lòng em giờ đây đã nhẹ nhõm hơn vì mình đã can đảm nói ra sự thật.

Qua sự việc này, em muốn nói với mọi người rằng: trong cuộc sống đầy bộn bề như bây giờ, chúng ta cần phải biết sống một cách trung thực, đừng làm người khác phải buồn lòng vì mình. Là một học sinh, ngay từ bây giờ, em sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, không ham chơi nữa. Em sẽ không phải khiến cho các thầy, các cô và mọi người xung quanh mình buồn lòng thêm lần nào nữa.

Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn – bài 3

Bài làm
Là học sinh, chắc hẳn ai ai cũng đã một lần lầm lỗi, phạm sai lầm khiến cho thầy cô phải buồn phiền. Ngay cả tôi cũng vậy, chỉ vì một lần không học bài môn Lý, tôi đã bị điểm kém khiến cho cô giáo phải buồn lòng rất nhiều về tôi. Mặc dù cô đã tha thứ cho tôi nhưng tôi cũng không thể nào quên được việc mình đã làm ngày hôm ấy.

Tối hôm đó, tôi đã xem kĩ thời khóa biểu để chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Tôi nhìn vào thời khóa biểu và không thấy môn nào phải học bài cả, ngoại trừ môn Lý. Tôi định học bài nhưng vì làm biếng và chủ quan cho rằng, lần trước tôi đã trả bài và được điểm cao rồi nên không cần phải học bài làm gì nữa mất công. Thế là, sửa soạn cặp xong, tôi liền chạy đi xem ti vi cho thỏa thích. Sáng hôm sau. vào lớp học, các bạn thì ríu rít ôn bài trong khi đó, tôi thì chỉ lo ngồi tán gẫu chuyện trên trời, dưới đất với lũ bạn. Ít phút sau, cô giáo từ ngoài cửa bước vào lớp. Chúng tôi đứng dậy chào cô một cách nghiêm trang. Cô gật đầu chào chúng tôi rồi ra hiệu cho phép ngồi xuống. Cô cất giọng nói: “Cả lớp lấy giấy ra làm kiểm tra mười lăm phút”. Nghe xong câu nói ấy, tôi bất giác giật mình và bắt đầu lo lắng. Tôi luống cuống lấy tập ra định xem được phần nào hay phần đó nhưng không kịp nữa rồi. Cô bắt đầu đọc đề, tôi viết đề vào giấy kiểm tra mà trong lòng lo âu, thấp thỏm. Cô đọc đề xong, các bạn ai nấy đều tập trung làm bài, riêng tôi thì nhìn vào đề bài, nó biết tôi nhưng tôi nhìn nó sao mà lạ lẫm. Tay tôi như không cầm nổi cây viết, vừa viết vừa tẩy xóa trong khi đó các bạn xung quanh thì hết sức điềm tĩnh mà làm bài. Thời gian trôi qua nhanh thật! Sắp hết thời gian mất rồi! Chỉ còn vài phút là phải nộp bài trong khi đó tờ giấy kiểm tra của tôi trắng tinh thật đẹp bởi chưa có chữ viết làm bài nào trong đó cả. Lúc ấy, tôi hốt hoảng thật sự, loay hoay hỏi bài các bạn xung quanh. Nhưng ngoài những cái lắc đầu và ánh mắt thương hại, tôi chẳng nhận được điều gì khác bởi ai ai cũng đều đang chạy gấp rút với thời gian cho bài làm của mình. Ngay lúc đó, tôi chỉ muốn gục đầu xuống bàn và khóc thôi. Cuối cùng thì thời gian làm bài cũng qua đi, các bạn ai cũng nộp bài với bài làm đầy chữ và gương mặt tự tin còn riêng tôi thì chỉ có tờ giấy trắng. Tôi bỗng nhiên thấy mũi mình hơi cay cay, khóe mắt từ từ trào ra những dòng lệ muộn màng nhưng tôi cũng cố gắng kìm nén lại vì không muốn cô và các bạn thấy điều tệ hại đó. Tối hôm đó, về nhà, trong lòng tôi rối như tơ vò với biết bao lo âu không yên, không dám đối diện với ba mẹ của mình. Tôi lẳng lặng đi ngủ.

Sáng hôm sau, tôi vào lớp với gương mặt vẫn vui vẻ như ngày nào. Nhưng đến khi cô phát bài ra tôi mới sực nhớ chuyện hôm qua và bắt đầu lo lắng cho số điểm của mình. Tôi cầm bài làm trên tay, nhìn vào số điểm. Con số 0 thật là to tướng, cô bắt đầu ghi điểm, cô đọc tên các bạn rồi đến lượt tôi. Lúc đó, tim tôi giật thót lên. Tôi đứng dậy và mạnh dạn nói: “Dạ thưa cô, tám ạ!”.Cô không nghi ngờ gì mà cứ ghi vào sổ. Tôi thở phào nhẹ nhõm ngồi xuống. Nhưng rồi tôi lại cảm thấy bồn chồn, khó chịu trong lòng. Cảm giác ấy làm tôi bứt rứt đến khó chịu.

Vài ngày sau, tôi gặp cô, nói với cô sự thật sau bao ngày tôi suy nghĩ, đắn đo. Cô không nói gì, chỉ sửa điểm lại cho tôi đúng với con số thật của mình. Lúc ấy, trông nét mặt cô khá nghiêm trang pha lẫn trong đó là một chút buồn rầu, thất vọng. Tôi xin lỗi cô lần nữa và quay về chồ ngồi. Trong suốt buổi học đó, tôi có cảm giác như lúc nào cô cũng nhìn tôi. Nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mình đã dám dũng cảm nhận lỗi và sửa chữa sai lầm.

Qua bài học đó, tôi thấy mình thật có lỗi với cô. Tôi mong rằng mọi người đừng bao giờ giống như tôi, điều đó không tốt và sẽ khiến cho những người xung quanh mất niềm tin với chúng ta. Riêng tôi, tôi sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, siêng năng hơn để không phải làm cho thầy cô, cha mẹ buồn lòng nữa.

Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn – bài 4

Bài làm
Những ngày mùa hạ rả rích, khi ôm sách và lắng nghe vài giai điệu phát ra từ cái radio cũ mèm, tự dưng tôi nghe thấy mấy lời da diết vang lên: “Người thầy… vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…”. Tiếng Cẩm Ly tha thiết, chiều mùa hạ như đang rơi xuống, vỡ tan và xoáy vào lòng những kí ức tươi đẹp. Đột nhiên, có cảm giác như đang lạc vào một thế giới nào đó, một thế giới không phải của mình, thế giới của quá khứ.
Và tự nhiên, tôi nghĩ, dường như mình đang được xem lại cuộc đời bốn năm trước, qua vài cảnh quay được trích ra từ cái máy quay có lẽ là đời từ những năm 1980.
Máy quay có lẽ đã cũ lắm rồi, cảnh được cảnh mất, nhưng cũng đủ để tôi thấy tôi – mười một tuổi – đứng trong sân trường cấp II lộng gió, và bóng một người thấp bé lặng lẽ đạp chiếc xe khung, đi trong nắng vàng. Bất chợt, người ấy quay lại. Ánh mắt hiền từ được máy quay ghi lại rõ ràng không sai. Tim tự dưng thấy hẫng một nhịp.
Kia rồi! Thầy tôi…
Người đàn ông đi trong nắng vàng hôm ấy là người tôi kính trọng nhất trên đời. Có lẽ biết thế nên mọi cảnh quay về người ấy đều rõ nét và chân thực đến kì lạ. Tôi nhìn rõ cái bóng liêu xiêu, đổ dài trên con đường dài dằng dặc, cùng với cây thước kẻ nửa mét kẹp trong chiếc cặp da sờn cũ, hộp phấn bằng thép chỉ chực rơi ra, cùng mái tóc đã bạc lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi thấy nước mắt đang dâng lên, đầy tràn hai khóe mắt.
Nhiều người vẫn miêu tả: Các thầy cao to, vạm vỡ, có đôi mắt sáng quắc uy nghiêm. Nhưng không! Thầy tôi thấp lắm, nếu so với chuẩn 1,8 m, chỉ chừng 1,6 m, tóc bạc trắng và lúc nào cũng lọc cọc đi trên chiếc xe khung han rỉ. Mắt thầy sáng, nhưng sáng bởi ánh sáng dịu hiền, ấm áp khiến chúng tôi rất an tâm. “Mọi thứ thuộc về thầy cũ kĩ đến mức hoài cổ”. Và tôi là chủ nhân của câu nói đó.
Nhớ lắm người thầy vẫn cần mẫn đạp xe, cần mẫn xách chiếc cặp da sờn cũ đến lớp , bất kể nắng mưa…Người thầy vĩ đại với mái tóc đã bạc trắng như cước và nụ cười hiền hậu luôn thường trực trên môi, luôn hướng về phía tôi vẫy tay cười hiền, dù chẳng bao giờ đứa hs hư đốn ấy thèm đáp lại …
Thầy tôi…vĩ đại như thế đấy. Người thầy đã thay đổi suy nghĩ và con người tôi…

Tôi vốn là một đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời – tôi luôn nghĩ về bản thân mình như vậy. Mẹ tôi sinh ra tôi nhưng tôi không có bố. Từ bé tôi đã luôn bị mọi người xung quanh khinh miệt, giễu cợt là “đồ con hoang”. Nhiều bà mẹ không cho con họ chơi với tôi. Tôi sống thui thủi như thế với mẹ trong căn nhà nhỏ tồi tàn cuối xóm. Từ bé, tôi không thấy ai tốt bụng và thương tôi ngoài mẹ tôi. Hai mẹ con tôi sống trơ trọi không họ hàng trong sự khinh miệt của mọi người xung quanh. Trong mắt tôi, loài người thật xấu xa và độc ác – trừ người mẹ hiền lành mà tôi hết lòng thương yêu và kính trọng. Đến tuổi đi học, tôi không chơi với bạn nào trong lớp, luôn lãnh đạm, thờ ơ với mọi người xung quanh.
Năm ấy, tôi học lớp bảy. Trong giờ văn, hôm nay lớp học văn nghị luận chứng minh. Thầy giáo ra đề “Lá lành đùm lá rách”, giảng giải kĩ càng rồi giao btvn cho học sinh. Một tuần thoáng qua tựa như chớp mắt. đến ngày một số đứa phải lên nộp bài , đen đủi là trong đó có tôi. Đúng như dự đoán, tôi “cả gan” nộp giấy trắng cho thầy, rồi khẽ liếc trộm xem thầy sẽ phản ứng ntn? Sẽ tra tấn lỗ tai tôi bằng những câu đại khái như: “ Em dám không làm btvn ư?” hay “ Em coi thường môn văn của tôi phải không?”. Nhưng không! Nhìn tôi vẫn bằng đôi mắt ấy, nhưng dường như sự dịu hiền thường ngày đã bị che lấp bởi sự thất vọng ê chề:

– Thầy sẽ chỉ hỏi em một câu thôi. Và em có quyền không trả lời câu hỏi đó: Tại sao em không làm bài vậy Thủy?

Tôi “ bất chấp tất cả” gân cổ lên mà nói:

– Em không làm vì em không thèm làm chứ không phải không hiểu. Toàn là nói dối, bịa đặt, trên đời này làm gì có lòng nhân ái, người yêu thương người. Tại sao em lại chứng minh điều dối trá như thế là đúng cơ chứ?” Tôi nói mà không biết mình đang nói gì. Có lẽ đó là những điều uất ức dồn nén từ lâu hôm nay bộc phát. Cả lớp đổ dồn những cặp mắt ngỡ ngàng về phía tôi. Thầy thoáng sững người rôi ra hiệu cho cả lớp về hết, chỉ còn mình tôi ở lại. Tim tôi hẫng một nhịp phải chăng là sự hối hận cho lời nói không suy nghĩ của mình?

Thầy tâm sự với tôi. Thoải mái. Chẳng hề câu nêj. Như một người bạn tri kỷ…

Bất chợt tâm trí tôi ùa về những hình ảnh sống động về căn nhà của thầy mà tôi tình cờ khám phá ra.Nói thật nó mới nhỏ, chật hẹp làm sao! Chao ôi! Cái chòi lá ấy mà gọi là nhà á? Nó còn tồi tàn hơn căn buồng ẩm thấp của mẹ con tôi. Bất chợt giọng nói ấm áp của thầy vang lên.Như hồi tưởng lại kí ức cũ…

Thì ra.. đâu chỉ có tôi mồ cội cha, thầy còn tội nghiệp hơn! Một đứa trẻ lớn lên ở cô nhi viện, chẳng biết cha mẹ mình là ai? Còn sống hay đã chết? Giàu có hay bần hàn…Cuộc sống của thầy đã sớm quen với các mẹ, các bạn đồng cảnh ngộ với mình…

Tưởng như tôi sẽ khẳng định ngay ràng thầy là người khổ cực nhất cái thế giới này thì thầy đã cắt đứt mạch suy nghĩ ấy. Thầy nói với tôi ràng tuy thầy chẳng sung túc gì nhưng thầy còn sướng hơn nhiều người- sống với một thân thể khỏe mạnh. Thế là đủ! Bởi cuộc sống của thầy không cô độc, cho dù thầy là cô nhi. Thầy bảo, thầy còn có các mẹ bên cạnh chăm lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ. Có các anh chị tình nguyện viên khích lệ động viên. Thế là vien mãn… Thầy đc học hết lớp 12, rồi lại theo lời khuyên của các mẹ học tiếp lên Đại học , trở thành một thầy giáo như ngày hôm nay, thế là hạnh phúc…

“bản thân thầy là một chiếc lá rách! Nhưng thầy không cô độc !” Tôi nhớ rõ thầy đã khẳng định như vậy. “Lúc khó khăn, có nhà trường và phụ huynh, học sinh giúp đỡ. Khi ốm đau bệnh tật có bà con hàng xóm thăm hỏi, động viên, nấu hộ bữa cơm hay lợp lại mái tranh trước muà mưa bão. Em biết không, họ- những chiếc lá đôi khi còn chưa lành ấy, nhưng đã thổi vào tâm trí thầy niềm động viên rất lớn, xua tan đi cái suy nghĩ tiêu cực mình là người khổ nhất, mình cực nhất…”

Người thầy ấy mỉm cười, nụ cười hạnh phúc như chưa từng có chuyện gì khiến thầy phiền lòng!

Còn tôi thì chết sững. Chuyển hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Vô thức, cổ họng đã nghẹn ứ không ra tiếng. ôi! Thầy tôi! Khắc khổ thế đấy!

Tôi không có bố, nhưng tôi còn có mẹ bên cạnh, chăm sóc, lo lắng cho tôi từng li từng tý. Thức suốt đêm trông tôi ốm, hay sẵn sàng bán hàng suốt đêm nếu ngày mai tôi cần tiền đóng học… Tôi ân hận! Tôi giận mình quá, tôi suy nghĩ thật nông cạn. Trên thế giới này, có hàng tỷ, hàng triệu người còn khổ hơn tôi, cuộc sống của họ còn vất vả hơn mẹ con tôi gấp nhiều lần ! Nhưng họ có bao giờ kêu họ khổ, họ đau! Thầy ơi! Trái tim tôi đã đóng lại, nó buốt giá, nhưng thầy đã tìm ra chiếc chìa khóa để mở nó ra, sưởi ấm nó, truyền cho trái tim ấy sự yêu thương, độ lượng…

Tôi chạy lại mà ôm chặt lấy thầy. Khi ấy vòng tay thầy đã dang rộng sẵn để chờ đón tôi. Tôi nhìn thấy đôi môi ấy mỉm cười, gương mặt ấy bớt đi một nếp nhăn.

Hiền như Bụt!

Đã hai năm trôi qua, và thầy không còn ở bên cạnh chúng tôi nữa. Thầy đã nhận quyết định nghỉ hưu từ tháng trước. Giáo viên mới dạy thay, một cô giáo trẻ đẹp mới ra trường. Nhưng có ai thay thế đc vị trí của thầy trong trái tim tôi nói riêng, và tôi tin chắc rằng đám bạn tôi- lứa học sinh cuối cùng của thầy cũng vậy! Giờ dây, tôi có cảm giác như mình đang xốc ba lô lên vai, leo lên chiếc xe đạp của mình, lao đi trong nắng vàng…
Đến nơi tràn đầy tri thức mà tôi hằng yêu kính: Ngôi trường cấp Hai.

Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn – bài 5

Bài làm

Bạn bè ai cũng nghĩ rằng em hoàn toàn có thể tự hào về tất cả những gì mình có: một học sinh giỏi xuất sắc với nhiều giải thưởng, một liên đội trưởng năng nổ, hoạt bát. Dường như với mọi người, em không hề có khiếm khuyết. Vậy mà, đã có một lần em khiến cô giáo dạy văn rất buồn, thậm chí thất vọng về em. Đó là một bài học em không bao giờ quên.

Năm học trước, nhân kỉ niệm Ngày mồng 8 tháng 3, trường em tổ chức cuộc thi sáng tác và bình thơ, truyện về chủ đề người phụ nữ. Mỗi học sinh sẽ sáng ãc một bài thơ, một truyện ngắn… hoặc bình về một tác phẩm văn học viết về người bà, người mẹ, hoặc về cô giáo,… tác một bài thơ, một truyện ngắn… hoặc bình về một tác phẩm văn học viết về người bà, người mẹ, hoặc về cô giáo,… Cô giáo dạy văn của em luôn động viên chúng em dự thi và hứa sẽ đọc giúp chúng em và sửa những lỗi nhỏ. Cô nói với chúng em đầy tin tưởng:

– Lớp chúng ta có rất nhiều bạn học tô’t và có năng khiếu văn học. Những giải cao nhất của cuộc thi này không thể không có tên học sinh lớp ta được các em ạ!

Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, em có cảm giác cô đã nhìn và cười với em. Niềm kiêu hãnh trào lên và em tưởng tượng ra hình ảnh của mình đang đứng trên bục nhận phần thưởng, dưới kia cả trường đang vỗ tay rào rào hoan nghênh. Em mơ màng mỉm cười với chính mình. Nhất định em sẽ làm được!

Suốt những ngày sau đó, em mơ màng với những ý thơ trong đầu. Em sẽ sáng tác thơ. Viết truyện thì bình thường quá, chỉ vài ba chi tiết là có thể thành truyện. Chỉ có thơ mới là địa hạt của sáng tạo. Ban đầu, em nghĩ sẽ viết về mẹ – người mẹ tảo tần sớm hôm nuôi nấng dạy dỗ em nên người. Nhưng viết về mẹ sẽ chỉ có những cơm nước, lợn gà, ruộng đồng,… rất khó nên thơ. Vậy em chuyển sang làm thơ về cô giáo: Cô giáo em với mái tóc mây bồng bềnh, dáng người tha thướt như một nàng tiên bước dưới những vòm cây xanh mướt… Em nắn nót những dòng thơ cầu kì:

Cô giáo em một nàng tiên xinh đẹp.

Mái tóc mây lướt nhẹ dưới vừng dương.

Cô giáo em một thiên thần hạ thế.

Viên phấn xinh là chiếc đũa thần kì.

Cô giáo dạy văn cau mày lắc đầu: “Không được em ạ! Nên viết điều giản dị thôi. Sự cầu kì sẽ thành sáo rỗng đấy!”. Em run người vì tự ái. Cô không khen được chút nào trong khi những câu thơ kiều diễm thế kia… Vậy em sẽ viết truyện. It nhất đó cũng là sáng tạo chứ không phải là bình thơ – đi tán tụng sự sáng tạo của người khác!

“Văn chưa được em ạ! Cô đã nói em nên viết điều giản dị thôi. Câu chuyện của em hơi cầu kì. Các em còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm sáng tác, em thử viết những cảm nhận về một bài thơ hay xem sao!”.

Em mệt mỏi lật lật xấp báo trước mặt. Uể oải dừng lại ở những bài thơ. Xấp báo này đến vài trăm tờ bao gồm cả những tờ báo Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong của chị gái em. Nay chị đã tốt nghiệp Đại học và đã đi làm, có nghĩa là những tờ báo “cổ xưa” lắm!

Em lơ mơ giữa những trang báo đã nhuốm màu thời gian. Chợt một ý tưởng lóe lên: Hay… hay là em sẽ lấy một bài thơ trong những tờ báo cũ ấy…? Những tờ báo cũ không ai còn đọc. Có đọc cũng không nhớ… Ban giám khảo là các thầy cô giáo có ai đi đọc báo học sinh bao giờ? Em vội vàng lọc riêng những tờ báo Thiếu niên Tiền phong cũ kĩ của chị. Hồi hộp lật giở những trang thơ. Tìm những bài thơ viết về mẹ, về bà, về cô… Sau khi đọc đi, đọc lại nhiều lần, em tâm đắc nhất bài “Hoa đất” của một chị mãi tận Bắc Ninh. Em sướng run người. Đây chỉ là một cuộc thi nhỏ của trường em, tác giả bài thơ mãi tận Bắc Ninh thì làm sao biết được? Bài thơ viết về mẹ, lời thơ rất giản dị nhưng sâu sắc – đúng như yêu cầu của cô giáo em. Em sẽ gửi thẳng lên trường mà không thông qua cô giáo: Chắc hẳn cô sẽ bất ngờ lắm!

Cô giáo bước vào lớp, tươi cười nói với chúng em. (Em đã vô cùng hồi hộp và sung sướng khi thấy cô như vậy):

– Các thầy, cô đã chấm xong vòng sơ khảo của cuộc thi sáng tác và bình văn. Đúng như cô dự đoán, lớp ta có rất nhiều bài đạt chất lượng tốt, rất có khả năng đạt giải cao!

Cả lớp vỗ tay ào ào. Buổi học hôm đó vui hơn bao giờ hết. Tan giờ học, cô bất ngờ gặp riêng em. Em run run hồi hộp. Cô gặp em làm gì nhỉ? Để khen ngợi, động viên? Để bày tỏ sự bất ngờ? Em bước về phía bàn giáo viên, cố tỏ ra vẻ ngượng nghịu.

Tươi cười đáp lại những lời chào ra về của học sinh rồi cô giáo quay sang em nghiêm nghị:

– Bài thơ của em dược các thầy cô đánh giá rất cao. (Em ngây ngất sung sướng khi nghe cô nói những lời này). Nhưng cô muốn hỏi em một câu: chắc chắn đó là bài thơ do chính em sáng tác chứ? Em giật bắn người nhưng theo phản xạ vẫn lắp bắp:

– Dạ… Vâng ạ!

Cô nhìn sâu vào mắt em nghiêm khắc:

– Em chắc chứ? Em có nhớ tác giả bài thơ đó là ai không? Trời ơi! Chuyện gì thế này? Tác giả bài thơ đó… Lê Nguyên Hương… Và tên cô giáo em cũng là… không, không thể như vậy được. Một người ở Hà Nội, một người ở Bắc Ninh…

– Cô không muốn trách phạt em nhưng phải nói rằng cô rất thất vọng… Em là một học sinh giỏi có năng khiếu và cô đã hướng dẫn em đúng hướng… Nhưng em đã không phát huy khả năng của mình mà lại hành động rất thiếu suy nghĩ. Cô mong em sẽ có quyết định đúng.

Mặt đất như sụp xuống dưới chân em. Em lặng người, đứng trơ ra vì xấu hổ. Cô giáo đã đi rồi nhưng em vẫn đứng đó, chỉ nhúc nhích một chút thôi là em sợ mọi người nhìn thấy bộ mặt dối trá của mình.

Cô giáo không nói sự thật này với ai hết nên cả lớp sửng sốt khi biết tin em rút tên mình khỏi danh sách dự thi. Điều này càng khiến em xấu hổ hơn nữa: Em đã khiến cô buồn bã, thất vọng về mình, tệ hơn nữa có thể em đã làm mất cả niềm tin nơi cô.

Hơn một năm đã trôi qua, em chưa nói lời xin lỗi cô một lần. Em biết, chỉ có những việc làm cụ thể để sửa sai mới là lời xin lỗi đáng tin nhất. Đó là một bài học đắt giá thúc đẩy em học tập, rèn luyện để đạt được những kết quả cao nhất. Và trong thâm tâm, lúc nào em cũng muốn gửi đến cô lời xin lỗi chân thành.